Đến nay, dưới góc nhìn VSBF, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch đưa tính bền vững vào trọng tâm hoạt động kinh doanh; xây dựng chiến lược phát triển gắn với tính bền vững dựa trên những bài học kinh nghiệm của những tập đoàn, doanh nghiệp thành công.
Mặc dù Covid-19 đã được kiểm soát nhưng cho tới nay những tác động từ đại dịch vẫn còn. Theo khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)… Tất cả làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, không riêng Việt Nam, mà trên quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp cũng đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Đặc biệt, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ XXI mà nhân loại phải đối diện.
Trong bối cảnh đó, từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân. Đây là xu thế của toàn cầu, trong đó bao gồm cả hai quốc gia Việt Nam và Singapore.
Ghi nhận tại diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore (VSBF), những tổ chức và nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng, đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh sẽ có sức bật mạnh hơn, hưởng lợi ích từ việc áp dụng những thông lệ kinh doanh hiệu quả, tăng cường tương tác với các bên liên quan, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu suất tài chính dài hạn cao hơn và kiến tạo giá trị tốt hơn.
Đến nay, dưới góc nhìn VSBF, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch đưa tính bền vững vào trọng tâm hoạt động kinh doanh; xây dựng chiến lược phát triển gắn với tính bền vững dựa trên những bài học kinh nghiệm của những tập đoàn, doanh nghiệp thành công.
Singapore được biết là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng Top khu vực, và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Về thương mại, Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Singapore, tăng trưởng kim ngạch 2 con số mỗi năm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Singapore là thị trường trung chuyển hàng hóa của thế giới có độ mở rất cao với tổng kim ngạch thương mại lên đến 1.200 tỷ SGD trong năm 2021, gấp đôi GDP của quốc gia này.
Đáng lưu ý, do nền kinh tế chủ yếu hoạt động dịch vụ, công nghiệp chủ yếu tập trung vào các ngành điện tử, cơ khí chính xác và chuỗi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nên tiêu dùng của Singapore gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Thế nên, dư địa cho hàng Việt vào thị trường này vẫn còn rất lớn.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư gần 6,46 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài và trở thành nhà đầu tư tại Việt Nam.
Theo lĩnh vực, Singapore đầu tư vào 18 ngành, trong đó tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Các dự án đầu tư của Singapore có tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Tp.HCM với 1.635 dự án, theo sau là Hà Nội với 493 dự án, Bắc Ninh với 93 dự án…
Hiện, Việt Nam có 140 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 586 triệu USD. 2023 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Singapore, VSBF 3 được tổ chức vào ngày 12/5/2023 tại Hà Nội sẽ đi sâu vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số.
Điều này nằm trong khuôn khổ chiến lược phát triển kinh tế số xanh được thiết lập từ đầu năm. Dự kiến, sẽ có 150 lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Singapore tham gia trong đó đã nhận được sự tham gia của tập đoàn lớn Singapore như Chủ tịch Tập đoàn Temasek Holdings, Tổng giám đốc Tập đoàn Sembcorp – Chủ đầu tư của 12 Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam – Singapore (VSIP).
Riêng VSIP có thể gọi là biểu tượng hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Thu Hằng – CEO VietStar, Giám đốc VSBF cho biết: “VSBF không chỉ là Diễn đàn chia sẻ về quản trị và giải pháp kinh doanh cho tăng trưởng và phát triển bền vững mà còn là nơi các nhà lãnh đạo có cùng chí hướng Việt Nam-Singapore cùng nhau kiến tạo giá trị, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng vì một thế giới tốt đẹp hơn”.