Dấu ấn VSBF 2021 |NÂNG CAO KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU, HOẠCH ĐỊNH – THỰC THI CHIẾN LƯỢC TRONG TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

Chia sẻ kinh nghiệm về phương thức nâng cao khả năng chống chịu, hoạch định chiến lược của các doanh nghiệp sản xuất Singapore, ông Douglas Foo – Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore cho biết: Để tìm kiếm và tạo ra lợi thế trong nghịch cảnh doanh nghiệp, nước này đã liên tục điều chỉnh để thích nghi với thực tế mới; liên tục đánh giá và sửa đổi các kế hoạch quản lý khủng hoảng để chuẩn bị cho các tình huống rủi ro khác nhau; xem xét phương thức giảm thiểu tác động tiềm ẩn của việc giảm doanh số, dự báo kém và giảm doanh thu trong trạng thái bình thường mới…“Chúng tôi đã lấy chiến lược “Chuyển đổi số” làm xương sống để bứt phá, đồng thời đa dạng chuỗi cung ứng thông qua tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…”- ông Douglas Foo nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến chiến lược chuyển hướng vượt qua qua đại dịch, ông Fidah Alsagoff  – Thành viên Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Temasek cho biết, thời gian vừa qua ưu tiên hàng đầu của Temasek là bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, sau đó là tuân thủ các nguyên tắc như duy trì Bảng cân đối kế toán mạnh, tìm kiếm các sáng kiến để tái định hình danh mục đầu tư và bảo vệ danh mục đầu tư. “Temasek chủ trương hướng các hoạt động đầu tư, xây dựng xoay quanh các xu hướng số hóa, sống bền vững, tiêu dùng tương lai và sống thọ”- ông Fidah Alsagoff nói.

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp Singapore nhận diện được rủi ro và đưa ra hướng thích ứng đã và đang giúp họ xử lý khủng hoảng cũng như vượt qua thách thức từ Covid-19 hiệu quả trong suốt thời gian qua.

Xoay trục để thích ứng 

Tại Việt Nam, theo đánh giá của các diễn giả, chúng ta đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát mạnh trên quy mô rộng, gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của các ngành nói chung và năng lượng nói riêng. Cụ thể là việc phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong thời gian qua vẫn chưa thực sự bứt phá và gần đây khi đại dịch bùng phát ngành này cũng bộc lộ một số bất cập.

Về vấn đề này, PGS Vũ Minh Khương – Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra: Cơ cấu năng lượng trong 10 năm tới sẽ thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch cũng như sự điều chỉnh các chính sách và sự bền vững khi hồi phục. Dựa trên kịch bản DRS, thông tin nhu cầu điện toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2030 chủ yếu do suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài và điện gió, điện mặt trời sẽ bổ trợ để giảm sự biến động trong sản xuất điện. Đồng thời, PGS Vũ Minh Khương cũng nêu ra xu thế năng lượng thế giới tập trung vào năng lượng bền vững và tái tạo, áp dụng các công nghệ mới: Quang điện mặt trời, chuyển đổi số, kết hợp giữa năng lượng mặt trời nổi và thủy điện…  PGS Vũ Minh Khương cho rằng, trong xu thế đó, ngành năng lượng Việt Nam cần lựa chọn chiến lược phù hợp theo hướng bền vững và chuyển đổi xanh, gắn với chuyển đổi số cũng như khuyến khích sự tham gia của tư nhân.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam và Sembcorp có thể chung tay thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua việc nâng cao hiệu quả của hệ thống điện, hợp tác năng lượng tái tạo, chuyển giao công nghệ và năng lực”– ông Wong Kim Yin – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sembcorp cho biết. Theo ông Wong Kim Yin, thời gian qua Sembcorp đã chuyển đổi sang danh mục đầu tư từ “Nâu sang xanh” và chuyển đổi nhiều mặt như quản trị, nguồn vốn, nhân lực, đối tác, các bên hữu quan… Ông hy vọng những kinh nghiệm của Sembcorp sẽ giúp ích cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai.