VSIP được đánh giá là biểu tượng gắn liền với nhiều công ty Singapore khác như Capitaland, Keppel, Mapletree, YCH Group, PSA cho đến Charles & Keith và Breadtalk đang hoạt động trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vận tải, hậu cần, thực phẩm và bán lẻ tại Việt Nam.
“Từ lâu Singapore đã nhận thấy thế mạnh và tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Singapore luôn ở vị trí nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam trong 3 năm qua ”, chia sẻ của ông H.E.Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore, tại Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore (VSBF) sáng ngày 12/5/2023.
Hiện, Việt Nam có 140 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 586 triệu USD. 2023 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Singapore.
Đặc biệt, McKinsey ước tính thương mại điện tử xuyên biên giới về hàng hóa sẽ tăng từ 300 tỷ USD vào năm 2020 lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Điều này đã mở ra những cơ hội mới trong lĩnh vực thương mại và hậu cần mà cả Singapore và Việt Nam đều mong muốn tận dụng lợi thế.
Trong đó, các Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) trên khắp miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam là biểu tượng tiêu biểu cho sự hợp tác kinh tế giữa hai bên. Các VSIP đã thu hút 17 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hơn 300.000 việc làm tại Việt Nam.
VSIP được đánh giá là biểu tượng gắn liền với nhiều công ty Singapore khác như Capitaland, Keppel, Mapletree, YCH Group, PSA cho đến Charles & Keith và Breadtalk đang hoạt động trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vận tải, hậu cần, thực phẩm và bán lẻ tại Việt Nam.
Đáng chú ý, YCH đã liên doanh với T&T Group và tiến hành động thổ xây dựng một trung tâm hậu cần đa phương thức Vĩnh Phúc Superport. Đây sẽ là dự án cơ sở hạ tầng hậu cần lớn nhất của một công ty Singapore tại Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024, kỳ vọng trở thành trung tâm hậu cần đầu tiên có cảng cạn tích hợp và trung tâm đầu não chuỗi cung ứng tiên tiến có mô hình giống Supply Chain City ở Singapore.
Thực tế, Singapore và Việt Nam có chung quan điểm và lợi ích trong nhiều vấn đề khu vực và đa phương. Trong đó, hai bên cam kết duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy một trật tự mở tuân thủ theo luật lệ, đồng thời thúc đẩy hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực, thông qua vai trò trong các khuôn khổ như trong Hiệp định CPTPP.
Mặt khác, hai quốc gia có hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau, Việt Nam là một quốc gia có 100 triệu dân, Singapore là một Quốc gia có 5 triệu dân. Điều đó cho thấy rằng hai bên có thể bổ trợ cho nhau trong nhiều lĩnh vực, hợp tác vì lợi ích chung và sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ mối quan hệ hợp tác sâu sắc này.
“Và nhân tố có tác động lớn là các VSIP , trước đây chỉ tập trung quanh Hà Nội , Tp.HCM thì nay đã và đang phát triển dàn trải đồng đều hơn trên khắp Việt Nam. Cũng cần lưu ý rằng các VSIP đang tái định vị lại để phục vụ tốt hơn mong đợi của Việt Nam – đảm bảo Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư nhiều hơn và chất lượng hơn mà còn cung cấp việc làm có chất lượng tốt hơn và duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầ u”, ông H.E.Jaya Ratnam nói.
Trong đó, VSIP3 đang được xây dựng tại Bình Dương sẽ là nơi đặt nhà máy sản xuất trị giá 1 tỷ USD của Lego, là cơ sở trung hòa carbon đầu tiên của Việt Nam. Nằm bên cạnh VSIP3 ở Bình Dương sẽ là Trung tâm Đổi mới Công nghiệp 4.0 Việt Nam-Singapore nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc áp dụng công nghệ 4.0 của Việt Nam, đặc biệt là đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất tự chuyển đổi.
Nhìn chung, các nhà đầu tư từ Singapore vẫn rất quan tâm và có niềm tin vững chắc vào tương lai của Việt Nam. Và trong bối cảnh hôm nay, khi toàn thế giới đối mặt với sự biến đổi khí hậu, kinh tế suy thoái… mục tiêu hợp tác và cũng là chủ đề của VSBF 2023: “Thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”.
Trước đó, Singapore và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác năng lượng vào tháng 10/2022, gồm hợp tác trong các dự án năng lượng tái tạo và các thiết bị kết nối để hỗ trợ việc mua bán điện xuyên biên giới giữa hai nước. Điều này sẽ củng cố an ninh năng lượng ở Đông Nam Á và giúp cả hai quốc gia đạt được mục tiêu chung là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Bền vững là yếu tố trọng tâm cho mọi hoạt động tại Temasek. Hàng năm, Hội nghị về Hệ sinh thái và Sự phát triển thịnh vượng – Ecosperity là một trong những nền tảng chính để tập đoàn chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ phát triển bền vững. Chúng tôi hợp tác với các nhà lãnh đạo toàn cầu ở cả lĩnh vực tư và lĩnh vực công, với giới học thuật và xã hội dân sự, trao đổi quan điểm và giải pháp tốt nhất, thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng bền vững”, đại diện Temasek nói thêm.
Link: https://cafef.vn/cac-vsip-da-thu-hut-17-ty-usd-von-dau-tu-va-tao-ra-hon-300000-viec-lam-tai-viet-nam-188230513092958752.chn