DẤU ẤN VSBF 2022 | DOANH NGHIỆP NĂNG LƯỢNG ĐƯA TÍNH BỀN VỮNG VÀO CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

DOANH NGHIỆP TRƯỚC ÁP LỰC CẦN THAY ĐỔI SAU ĐẠI DỊCH

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết “Covid-19 đã tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và quan hệ quốc tế của tất cả các quốc gia. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cũng bộc lộ tính thiếu bền vững trong mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Điều này đòi hỏi chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi.

“Cùng với đó, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối diện”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá.

Vì vậy, từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân. Bên cạnh đó, các mục tiêu phát triển cũng được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, hướng đến sự phát triển về “chất” thay về chỉ chú trọng đến “lượng”.

Tại Việt Nam, chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ rất quan tâm. Đặc biệt, tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) vừa qua, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch.

Cùng quan điểm trên, bà Phạm Thu Hằng, CEO VietStar và Giám đốc VSBF, khẳng định đã đến lúc các doanh nghiệp cần đưa phát triển bền vững với lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh lâu dài chứ không xem đây là một sự đánh đổi.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐEM LẠI SỨC HÚT

Dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững và để hiện thực hóa mục tiêu phát thải bằng 0 đến năm 2050, phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang được Chính phủ Việt Nam dành nhiều sự quan tâm. 

Là tập đoàn kinh tế đầu tàu của Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhanh chóng điều chỉnh chiến lược phát triển kinh doanh của tập đoàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 gắn liền với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, Thành viên Ban cố vấn VSBF, cho hay chiến lược phát triển này hiện đã trình lên Thủ tướng Chính phủ và đang đợi phê duyệt. Theo đó, định hướng chiến lược của PVN là xây dựng và phát triển thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, của khu vực và có vị trí vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, chiến lược cũng nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên, tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tìm kiếm các giải pháp phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN.

“Phát triển bền vững một chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam và ngành năng lượng Việt Nam, PVN sẽ chung tay cùng Chính phủ cùng các doanh nghiệp khác vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thành công chiến lược phát triển bền vững của đất nước”, ông Vượng nhấn mạnh.

Còn dưới góc nhìn của một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới, ông Fock Wai Hoong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Temasek Holdings – Singapore, cho hay, việc thiết lập một hệ sinh thái để thúc đẩy sự phát triển bền vững là một trong những trọng tâm hoạt động của Temasek. Theo đó, Temasek tính đến việc thay đổi các dự án, danh mục đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

“Để khôi phục sau đại dịch, chúng ta cần phải hướng tới danh mục đầu tư có khả năng phục hồi và những lĩnh vực tăng trưởng bền vững”, ông Fock Wai Hoong nhấn mạnh. Vì lẽ đó, năm 2021, khi nhận diện lĩnh vực số hóa có cơ hội rất lớn trong bối cảnh Covid, Temasek định hướng danh mục đầu tư vào các sản phẩm phần mềm, ngành công nghiệp bán dẫn… “Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là quá trình lâu dài. Chi phí chuyển đổi có thể ảnh hưởng lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài, phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp mang lại lợi nhuận tốt hơn”, ông Fock Wai Hoong khẳng định. 

Ông Eddie Tritton, Giám đốc Điều hành – Đại học Quản lý Singapore – SMU Executive Development, Đồng Giám đốc VSBF, nhấn mạnh “người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, mong muốn doanh nghiệp phát triển bền vững và gắn kết hơn. Họ cũng nhận ra rằng lựa chọn của họ có thể là chất xúc tác cho những thay đổi”