Ngày 12/5/2023, Công ty Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VIETSTAR) và Đại học Quản lý Singapore (SMU) đã tổ chức Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore (VSBF 2023) lần 3 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”.
Định hướng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu
Tại Diễn đàn, các lãnh đạo đồng cấp của Việt Nam và Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm về hoạch định và thực thi chiến lược cũng như các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt nhất nhằm duy trì tăng trưởng, phát triển bền vững, kiến tạo giá trị và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Trong lộ trình cho những năm tiếp theo, hai nước vẫn còn nhiều cơ hội để hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực tăng trưởng mới, bao gồm kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín dụng carbon, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng bền vững.
Từ góc độ các cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, đó là cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methane toàn cầu” và “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Việt Nam đã giảm dần việc sử dụng năng lượng từ nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ và tăng nguồn năng lượng tái tạo để thay thế.
Để làm được theo các cam kết trên thì vai trò của công nghệ hết sức quan trọng, bởi những công nghệ mới có thể sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Việt Nam cần được chuyển giao công nghệ từ các nước và để lan tỏa công nghệ thì phải có nguồn lực hấp thụ công nghệ được chuyển giao.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định việc lựa chọn định hướng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Theo ông Hùng, phát triển bền vững là một chiến lược toàn cầu, dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm kinh tế, xã hội, và bảo vệ môi trường. Lợi ích tổng thể này tương đồng với những nội dung trong mục tiêu bao trùm mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi.
Cuối năm 2022, tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết tham gia:
Sáng kiến “Giảm phát thải methane toàn cầu” nhằm mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.
“Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất” nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC; đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể.
Hành trình kiến tạo tương lai phát triển bền vững
Tại Diễn đàn, các lãnh đạo 2 nước đã chia sẻ về hành động, con đường kiến tạo tương lai bền vững.
Theo ông Wong Kim Yin, Chủ tịch và CEO Tập đoàn Sembcorp Industries Ltd, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa phát triển bền vững và bài toán lợi nhuận, thời gian qua Sembcorp đã thúc đẩy tăng trưởng từ năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ. Doanh nghiệp cũng tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng, mở rộng giải pháp bền vững cho khách hàng, đối tác và nhà cung cấp, đặc biệt là đưa KPI về tính bền vững vào hoạt động kinh doanh, quy trình và công nghệ.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững và sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt sau cam kết của Việt Nam tại COP26, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước đã dần quan tâm tới ESG (tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) và thực hành các thông lệ ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các cấp độ khác nhau.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN đã và đang thực hiện các công việc, như thường xuyên trao đổi, đánh giá để nhận diện các vấn đề trọng yếu về ESG cần giải quyết. Đồng thời cân bằng các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong quá trình thực hành ESG, thiết lập cơ cấu quản trị ESG.
Trong định hướng sắp tới, PVN tiếp tục hoàn thiện chiến lược về ESG song song với việc hoàn thiện chiến lược phát triển của Tập đoàn; liên tục cải tiến bộ máy quản trị ESG phù hợp để xây dựng các chỉ tiêu cụ thể và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã thiết lập; nâng cao quá trình thực hành ESG;…