Thực thi chiến lược tăng trưởng xanh vào trọng tâm chiến lược kinh doanh

Ngày 20-5, Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore (VSBF) lần thứ hai (VSBF 2022) diễn ra với chủ đề: “Thực thi Chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh”.

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại đầu cầu Singapore. Diễn đàn do Công ty Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VietStar) và Đại học Quản lý Singapore (SMU) đồng tổ chức.

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế. Trong đó, chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Cùng với đó, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ XXI mà nhân loại phải đối diện.

Quang cảnh diễn đàn. 

Trong bối cảnh đó, thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân. Các mục tiêu phát triển đang được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, nhấn mạnh về chất thay về chỉ chú trọng đến lượng. Từ kinh nghiệm quốc tế, “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của các chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. “Chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch. Cụ thể, Việt Nam xác định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045. Bên cạnh các chính sách về khí hậu và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng và triển khai các chính sách nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó xác định, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-thi-chien-luoc-tang-truong-xanh-vao-trong-tam-chien-luoc-kinh-doanh-695038